Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng và củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh là một tất yếu khách quan, một nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Từng mặt hoạt động KT-XH và công tác quân sự, quốc phòng có những đặc điểm, yêu cầu riêng và tuân theo các quy luật vận động riêng, nhưng có quan hệ biện chứng, hữu cơ trong một thể thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, là điều kiện tồn tại và phát triển của nhau.
Khi KT-XH của đất nước phát triển nhanh, bền vững sẽ tạo nền tảng vật chất, khoa học kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhiệm vụ tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng. Là cơ sở vững chắc để đổi mới, phát triển công nghệ, kỹ thuật trong công nghiệp quốc phòng, có thể nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cải tiến các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước thời kỳ mới. Kinh tế phát triển, của cải vật chất và nguồn thu ngân sách của Nhà nước không ngừng tăng lên; đời sống nhân nhân được cải thiện, được thụ hưởng đầy đủ, công bằng. Nhân dân sẽ luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vững vàng trước sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, đây là nền tảng chính trị vững chắc góp phần xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Công tác quân sự, quốc phòng cũng tác động trở lại đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bởi vì, khi tiềm lực quân sự, quốc phòng vững mạnh sẽ tạo môi trường hòa bình, ổn định lâu dài và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển KT-XH; đồng thời chính hoạt động quân sự, quốc phòng, trong đó có công tác hậu cần cũng có tác dụng kích thích cho sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tiêu thụ các sản phẩm kinh tế, từ đó tạo ra nguồn lực để thay đổi về mọi mặt xã hội.
Kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng đã được Đảng ta thực hiện xuyên suốt, nhất quán và vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN. Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc kết hợp quốc phòng với KT-XH và KT-XH với quốc phòng: “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu và SSCĐ của Quân đội; huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ”;……“Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hoạt động quốc phòng với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH; xác định rõ mục tiêu trước mắt và lâu dài; hoạt động kết hợp phải được thực hiện trong cả quá trình từ giai đoạn lập, thẩm định đến triển khai thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong từng công trình, từng dự án phát triển KT-XH theo vùng, lãnh thổ; trong tất cả các ngành, lĩnh vực nền kinh tế quốc dân của bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan”.
Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu cao hơn, không chỉ kết hợp chặt chẽ mà còn phải “kết hợp hiệu quả”, cụ thể là: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong Chiến lược phát triển KT-XH, Chiến lược BVTQ; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”.
Quân đội nhân dân Việt Nam chính là lực lượng nòng cốt của LLVT nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Trong thời kỳ đất nước hòa bình, ổn định và phát triển, Quân đội ta đã không ngừng phát huy phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện đúng chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Và để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 623-NQ/QUTW. Điều đó cho thấy vị trí và tầm quan trọng của công tác hậu cần đối với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ của Quân đội trong mọi tình huống, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, có thể nhận thấy một trong những kết quả nổi bật đó là: Các đơn vị đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Chú trọng đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần nhân dân vững chắc theo đúng quan điểm của Đảng về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược; thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH gắn với xây dựng thế trận hậu cần vững chắc, củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng; quan tâm sâu sát công tác đầu tư mua sắm, hiện đại hóa các trang thiết bị, vật chất vừa phù hợp với nhu cầu của hoạt động quân sự, vừa góp phần phát triển nền kinh tế thị trường. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng của đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất trong thời kỳ mới.
Hiện nay, Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) là doanh nghiệp Quốc phòng – An ninh; nhiệm vụ chính trị trung tâm là sản xuất kinh doanh, tự hạch toán, tự trang trải; về quân sự là Binh đoàn công binh cầu đường dự bị chiến lược của Bộ. Nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác hậu cần trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội, BVTQ, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Binh đoàn đã quán triệt sâu sắc phương hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 623 của Quân ủy Trung ương; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, tạo chuyển biến mạnh mẽ, từng bước nâng cao chất lượng các mặt công tác hậu cần. Trên cơ sở nhiệm vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, Đảng ủy Binh đoàn 12 luôn quán triệt sâu sắc quan điểm kinh tế kết hợp với quốc phòng, lãnh đạo đơn vị chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đi vào chiều sâu, mang tính đồng bộ, toàn diện, đóng góp tích cực vào nhịp độ tăng trưởng kinh tế chung của các doanh nghiệp Quân đội và nền kinh tế đất nước, góp phần quan trọng phát triển KT-XH ở các địa phương, củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước. Nhiều dự án mang tính chất trọng điểm của quốc gia và các công trình quân sự, quốc phòng Binh đoàn 12 được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tin tưởng giao thi công luôn bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng, vừa phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH của đất nước, của địa phương, vừa bảo đảm yếu tố quân sự, quốc phòng như: hệ thống sân bay, cảng biển, thủy điện, tuyến trục dọc cao tốc Bắc – Nam kết hợp với các tuyến đường ngang, dự án cải tạo, kè mốc biên giới Việt – Trung, xây dựng cầu cảng ngoài biển đảo…các dự án trên khi đưa vào sử dụng sẽ trở thành một phần trong hệ thống phòng thủ khu vực của các địa phương trên toàn quốc.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân và thi công nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2018 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 của Chính phủ “về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng”. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì tốt lượng vật chất, trang bị hậu cần dự trữ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thường xuyên củng cố, kiện toàn, cập nhật đầy đủ hệ thống các văn kiện, kế hoạch hậu cần trong chuyển trạng thái SSCĐ, tiếp nhận lực lượng Dự bị động viên và trong các nhiệm vụ A; kịp thời điều chỉnh, bổ sung sát với yêu cầu, nhiệm vụ; ưu tiên bảo đảm cho các lữ đoàn dự bị động viên và đơn vị làm nhiệm vụ đột xuất. Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Binh đoàn hiện có 1.481 đầu xe, máy, thiết bị các loại; trong đó có nhiều xe máy, trang thiết bị lưỡng dụng, vừa phục vụ hiệu quả trong phát triển kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có chỉ lệnh của cấp trên như: tham gia mở tuyến, mở đường, cứu hộ, cứu nạn… Trên cơ sở năng lực thiết bị hiện có, trong 10 năm qua, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn đã giúp đỡ địa phương nơi đóng quân và thi công hàng nghìn ca xe, ca máy để cải tạo, làm mới đường giao thông, thủy lợi và các công trình dân sinh, cộng đồng nhằm phục vụ cho đời sống của Nhân dân được ổn định hơn; tham gia có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên khi gặp thiên tai, bão lũ, điển hình như vụ việc sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên – Huế) và Đoàn Kinh tế quốc phòng 337/Quân khu 4 (Quảng Trị) vào tháng 10 năm 2020.
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia phát triển KT-XH với xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng thời gian tới, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Binh đoàn 12 xác định cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, cấp ủy các cấp trong toàn Binh đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần, phát huy những kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 623 của Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 979/KH-HC của Tổng cục Hầu cần về công tác hậu cần đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tiến hành điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp thực hiện bảo đảm khả thi, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ là đơn vị xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới.
Hai là, chú trọng đầu tư, hiện đại hóa hệ thống xe máy, trang thiết bị phục vụ thi công các dự án trọng điểm của quốc gia, có vị trí quan trọng đối với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng như: Các nhà máy Thủy điện, sân bay, cầu cảng, nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc thuộc trục dọc Bắc – Nam thành tuyến vận tải chiến lược của đất nước; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng công trình. Đặc biệt, việc đầu tư mua sắm hệ thống xe máy, trang thiết bị phải có tính lưỡng dụng, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể chuyển hóa phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; làm tốt công tác bảo dưỡng, bảo quản, khai thác, sử dụng hiệu quả xe máy, thiết bị có trong biên chế.
Ba là, cấp ủy các cấp trong Binh đoàn 12 tiếp tục lãnh đạo quán triệt và chấp hành nghiêm quan điểm xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng; vai trò của Quân đội trong tham gia phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, tăng cường quốc phòng, an ninh ở các địa phương đóng quân và thi công. Bên cạnh việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tham gia xây dựng cơ sở chính trị, địa bàn an toàn cần phải phát huy thế mạnh về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu hiện có của Binh đoàn để tích cực đóng góp công sức, hỗ trợ Nhân dân trong việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông, thủy lợi, xây dựng các công trình cộng đồng, tham gia các chương trình quân dân y kết hợp, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, cải thiện nhu cầu cuộc sống của đồng bào, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần tích cực vào việc xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân.
Bốn là, đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh gắn với đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác hậu cần, nhất là việc quản lý xuất nhập vật tư, vật liệu, nhiên liệu (xăng, dầu) trên các công trường. Quản lý, chi tiêu các nguồn ngân sách phục vụ công tác hậu cần đúng mục đích, thanh quyết toán kịp thời, chặt chẽ; đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thu nộp Ngân sách Nhà nước và Bộ Quốc phòng theo quy định nhằm đóng góp cho sự phát triển KT-XH của đất nước và sự nghiệp xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh. Xây dựng kế hoạch bảo đảm đầy đủ các mặt hậu cần cho nhiệm vụ phát triển kinh tế của doanh nghiệp đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hậu cần phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cấp trên giao nhiệm vụ hoặc có tình huống đột xuất xảy ra. Đẩy mạnh công tác huấn luyện nghiệp vụ hậu cần, nhất là ở các lữ đoàn dự bị động viên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hiện phát triển KT-XH đi đôi với tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng là đòi hỏi tất yếu khách quan, trong 10 năm qua, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về nhận thức và hành động, đặc biệt là vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong công tác hậu cần. Trước yêu cầu nhiệm vụ có sự phát triển trong thời gian tới, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Binh đoàn cần chủ động nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần quân đội; đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác hậu cần. Tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển KT-XH đi đôi với tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng nhằm góp phần thực hiện tốt chức năng của đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”, viết tiếp bản hùng ca Trường Sơn trong thời kỳ mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc – Tư lệnh Binh đoàn 12.