(PLVN) – Danh tính nhà thầu trúng gói thầu xây lắp lớn, có yêu cầu kỹ thuật và tính chất phức tạp, có tính quyết định đến tiến độ hoàn thành của Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được tiết lộ trong buổi lễ ký kết được tổ chức chiều nay (27/4/2021).
Đại diện EVN và Liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 6.400 tỷ đồng. Gói thầu số 37 (XL-05) thi công xây lắp công trình có tổng giá trị gói thầu là 2.365 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn, có yêu cầu kỹ thuật và tính chất phức tạp, có tính quyết định đến tiến độ hoàn thành của Dự án.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của EVN, quyết tâm của Ban QLDA Điện 2 và các Ban chuyên môn của EVN cùng với việc tổ chức đấu thầu qua mạng đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện 2 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu đối với công tác lựa chọn nhà thầu.
Theo kết quả, Liên danh Nhà thầu, bao gồm Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty Cổ phần LILAMA 10 đã trúng thầu Gói thầu 37 (XL-05) – Thi công xây lắp công trình Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng
Thay mặt EVN, ông Thành đã yêu cầu Ban QLDA Điện 2 phối hợp liên danh nhà thầu cần tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị để sớm tổ chức khởi công công trình để thi công đê quai hoàn thành trước giai đoạn tích nước của hồ chứa Ialy hiện hữu; Đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, triển khai hệ thống quản lý HSE (sức khỏe – an toàn – môi trường), tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm soát để giảm thiểu tác động đến môi trường xã hội trong quá trình triển khai xây dựng theo đúng quy định của Hợp đồng.
Dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định đầu tư; EVN đã giao Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện Chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 360 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.398 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại các hiệu quả như tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh họat trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.
Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 233,2 triệu kWh, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải CO2. Ngoài ra khi đưa vào vận hành, dự án còn mang lại hiệu quả giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Nguồn: https://baophapluat.vn/