Bộ đội Trường Sơn đã được phong những danh hiệu bất hư truyền như “tường đồng vách sắt”, “gan vàng dạ ngọc”, “đôi chân vạn dặm”… tình huống nào cũng kiên quyết “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Thời bình vẫn luôn là những·người “mở đường”.
Trong lịch sử cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh được biết đến như một con đường huyền thoại. Đây là con đường huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, chi viện sức người và của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là điểm tựa, mắt xích lớn nối các chiến trường ba nước Đông Dương. Đây cũng là nơi những người lính Cụ Hồ anh dũng, trí tuệ, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Tuyến đường đặc biệt với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc… Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy… được xây dựng đáp ứng yêu cầu của chiến trường.
Trên thế trận được ví như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” đó, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh được đánh giá là kỳ công chiến lược. Vai trò của nó vượt xa tuyến đường vận tải quân sự thuần túy.
Trên những cung đường này đã có biết bao kỳ tích, biết bao huyền thoại. Góp phần tạo nên những huyền thoại đường Hồ Chí Minh, một biểu tượng ngời sáng của ý chí và quyết tâm sắt đá tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là lực lượng Bộ đội Trường Sơn.
Tại cuộc hội thảo “Vai trò Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1971-1975” do Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Binh đoàn 12 và Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/5 vừa qua, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nhận định, thực hiện chủ trương chiến lược hết sức sáng tạo của Đảng, tháng 5/1959, Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ra đời, đáp ứng yêu cầu chi viện cho cách mạng miền Nam nói riêng và cách mạng ba nước Đông Dương nói chung trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. “Suốt 16 năm thực hiện nhiệm vụ mở đường, vận tải, chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế trong điều kiện địa hình phức tạp, Bộ đội Trường Sơn đã vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, hoàn thành vai trò của một chiến trường tổng hợp, là căn cứ chiến lược vững chắc của ba nước Đông Dương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc”.
Với ý chí, quyết tâm cùng cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Bộ đội Trường Sơn từ những ngày đầu soi đường, mở tuyến đã xây dựng được tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh ngày càng mở rộng, kéo dài, vươn sâu, vươn xa đến các chiến trường miền Nam và chi viện cho cách mạng Lào và Campuchia.
Đặc biệt, giai đoạn 1971-1975, Bộ đội Trường Sơn có sự phát triển đến đỉnh cao về tổ chức biên chế và lực lượng, trở thành đơn vị binh chủng hợp thành quy mô lớn với 9 sư đoàn binh chủng, 12 trung đoàn binh chủng cơ động, 1 sư đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa do Bộ phối thuộc; trong đó, có 2 sư đoàn và 2 trung đoàn xe vận tải với hơn 10.000 xe vận tải các loại; tổng quân số (kể cả lực lượng phối thuộc và thanh niên xung phong) là 120.000 người.
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, trải qua 16 năm, Bộ đội Trường Sơn được quan tâm xây dựng, đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức, biên chế, trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm; với địa bàn và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, hiệu quả. “Vượt lên trên gian khổ, hy sinh, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được mạng đường vận tải chiến lược được ví như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, trở thành hậu phương chiến lược trực tiếp cho các chiến trường, chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam với nhiều nét độc đáo, sáng tạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế”.
Bộ đội Trường Sơn không chỉ xây dựng nên một hệ thống giao thông vĩ đại, vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn vũ khí, đạn dược… chi viện cho các chiến trường mà lực lượng bộ binh Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện. Bộ đội Trường Sơn đã được phong những “danh bất hư truyền” như “Tường đồng vách sắt” (công binh); “Gan vàng dạ ngọc” (vận tải cơ giới); “Quay nòng pháo theo bánh xe lăn” (pháo cao xạ); “Đôi chân vạn dặm” (giao liên); “Coi dây như ruột, coi cột như xương” (thông tin); “Người mẹ hiền” (quân y)…
Lực lượng phòng không tại chỗ của Bộ đội Trường Sơn cũng không kém phần oai hùng. Đại tá Nguyễn Quang Hùng, Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Sư đoàn Phòng không 377- Bộ đội Trường Sơn cho biết, chỉ riêng trong chiến dịch đường 9 – Nam Lào tháng 3/1971, lực lượng phòng không tại chỗ Bộ đội Trường Sơn đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, bắn rơi 346 máy bay, phá 6 xe tăng, xe bọc thép, 91 xe quân sự khác, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược. “Bộ đội Trường Sơn nói chung, lưới lửa phòng không nhiều tầng, dày đặc tại chỗ của Trường Sơn nói riêng, đã chiến đấu quả cảm, mưu trí, hiệu quả làm phá sản chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ, ngụy, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào 1971”.
Trong 16 năm chiến đấu anh dũng nhưng cũng đầy đau thương mất mát khi gần 20 nghìn người con ưu tú của Bộ đội Trường Sơn đã hy sinh; hơn 30 nghìn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong bị thương và hàng vạn người bị nhiễm chất độc hóa học.
Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”…
Đất nước thống nhất, Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chuyển sang xây dựng kinh tế kết hợp củng cố quốc phòng, hàn gắn vết thương chiến tranh, với tên gọi Binh đoàn 12 (Binh đoàn Trường Sơn) được thành lập ngày 10-10-1977, trên cơ sở lực lượng chủ yếu xây dựng cầu, đường của Bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh.
Vinh dự, tự hào được kế tục và phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 (Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) hôm nay luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập, phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hơn 40 năm qua, Binh đoàn 12 đã triển khai xây dựng hàng nghìn công trình, dự án, trong đó có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh đất nước và nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Binh đoàn luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chăm lo xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống.
Thiếu tướng TS Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 chia sẻ, có được những thành quả như ngày hôm nay là do Binh đoàn có một điểm tựa vững chắc, đó chính là truyền thống anh dũng, sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn năm xưa. “Chúng tôi lấy truyền thống tốt đẹp là điểm tựa vững chắc để hoàn thành tốt hai nhiệm vụ, nhiệm vụ đội quân lao động sản xuất và đội quân công tác. Hiện nay binh Đoàn 12 Trường Sơn trở thành doanh nghiệp tốp đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, dự án trọng điểm của đất nước luôn luôn có dấu chân của bộ đội Trường Sơn”.
Nguồn: Thu Hà – VOV